Tầm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết

  • Lượt xem: 1186
  • 23/04/2021

Tất cả mẹ bầu khi mang thai đều nên được tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Trong quá trình khám thai, ngoài thăm khám và hỏi bệnh sử về tiền sử y khoa, mẹ bầu còn được làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

Nghiệm pháp dung nạp đường huyết là gì?

Nghiệp pháp dung nạp đường huyết là một xét nghiệm chẩn đoán một thai phụ chưa từng bị đái tháo đường trước đây trong quá trình mang thai có xuất hiện đái tháo đường thai kỳ không. Đái tháo đường thai kỳ hầu như không có biểu hiện, triệu chứng gì đặc hiệu nên chỉ được chẩn đoán chính xác qua xét nghiệm máu.

Khi nào thực hiện xét nghiệm tầm soát này?

Thời điểm thích hợp nhất để thực hiện nghiệm pháp đái tháo đường thai kỳ vào tuần 24 – 28 của thai kỳ. Đây chủ yếu là thời điểm xuất hiện những bất thường đầu tiên của đái tháo đường thai kỳ. Nếu bạn đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trước đây, có nhiều yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ thì có thể bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm sớm hơn.

Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ là:

  • Tiền đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước
  • Gia đình có người thân bị đái tháo đường típ 2
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Thừa cân, béo phì
  • Từng sinh con to trên 4kg
  • Sẩy thai không rõ lý do
  • Hơn 25 tuổi.

Quá trình thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết diễn ra như thế nào?

Sau một đêm nhịn ăn ở nhà ít nhất 8 giờ, bạn được lấy máu để thử chỉ số đường huyết đói. Sau đó, bạn sẽ được uống một ly nước chứa 75g đường glucose và lần lượt lấy máu thử đường huyết sau 1 và 2 giờ. Trong quãng thời gian chờ đợi lấy máu, bạn không được ăn bất cứ gì, hạn chế vận động gắng sức, bạn có thể uống nước lọc nếu khát.

Làm gì tiếp theo khi bạn bị đái tháo đường thai kỳ?

Khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết để họ tư vấn chế độ ăn, vận động thích hợp cho tình hình bệnh lý của từng thai phụ. Đa phần khoảng 90% thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát đường huyết tốt thông qua việc điều chỉnh ăn uống và tăng cường vận động, chỉ một số ít thai phụ cần sử dụng thêm thuốc insulin. Dù điều trị bằng phác đồ nào, bạn cũng nên tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được theo dõi sức khỏe tốt nhất.

Bình luận