1. Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.
Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung tại những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao tù nước đọng.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
2. Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có mấy loại?
Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Bệnh nhân nhiễm một loại huyết thanh virus nào sẽ tạo miễn dịch suốt đời với chỉ một loại huyết thanh virus đó, nên bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết Dengue nhiều hơn một lần trong đời, do mắc phải các loại huyết thanh virus khác nhau.
3. Biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue là gì?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng.
Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn:
– Giai đoạn sốt: sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, đau mỏi cơ, buồn nôn, nhức 2 hốc mắt, da xung huyết.
– Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể có sốc, xuất
huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu nướu, chảy máu cam, ói máu, tiêu ra máu), hoặc xuất huyết nội tạng (tiêu hóa, phổi, não) là biểu hiện nặng.
– Giai đoạn hồi phục: hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, ban hồi phục.
4. Cần làm gì nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue?
Việc chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết có thể gặp nhiều khó khăn vì các dấu hiệu của bệnh có thể dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự, chẳng hạn như bệnh sốt rét, sốt virus hoặc sốt thương hàn…
Nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế khám. Để chẩn đoán khả năng mắc bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào:
– Hỏi tiền sử dịch tễ bệnh nhân đã từng đi, đến, ở vùng lưu hành dịch sốt xuất huyết.
– Các dấu hiệu và triệu chứng trên lâm sàng.
– Xét nghiệm máu tìm kháng nguyên Dengue NS1 và kháng thể virus Dengue (Dengue IgM và Dengue IgG).
5. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết Dengue tại nhà?
– Hạ sốt cho trẻ bằng Paracetamol (hay còn có tên khác là Acetaminophen) liều 10- 15 mg/kg/lần, lặp lại sau 4-6 giờ nếu cần. Không sử dụng Ibuprofen để hạ sốt.
– Cho trẻ uống nhiều nước: nước dừa, nước cam, nước oresol.
– Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Không cho trẻ ăn thức ăn, nước uống có màu đỏ, nâu, đen.
– Vận động nhẹ nhàng, hạn chế té ngã/chấn thương có thể làm xuất huyết khó cầm.
6. Khi nào trẻ sốt xuất huyết Dengue điều trị tại nhà cần tái khám ngay?
Khi trẻ có các dấu hiệu cảnh báo chuyển độ nặng, bao gồm: – Vật vã, lừ đừ, li bì.
– Đau bụng vùng hạ sườn phải.
– Nôn ói nhiều.
– Xuất huyết niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu nướu, ói có máu hay đi tiêu có máu, hành kinh sớm hoặc kéo dài đối với trẻ nữ.
– Tiểu ít.
7. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết?
– Ngủ mùng kể cả ban ngày
– Không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt
– Cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi
– Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.
– Diệt loăng quăng bọ gậy
– Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thu dọn các đồ vật có đọng nước quanh nhà như: Vỏ đồ hộp, chai lọ, …
– Dọn rác ở các bãi đất trống
– Tăng cường khơi thông, san lấp những vũng đọng nước mưa
– Diệt muỗi: dùng vợt điện, bình xịt muỗi, nhang muỗi, hóa chất.
Bình luận