Tìm hiểu về bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em

  • Lượt xem: 8671
  • 19/05/2021

1. Về bệnh tim bẩm sinh

Để hiểu về bệnh tim bẩm sinh (TBS), trước hết cần hiểu cách hoạt động của một trái tim khỏe mạnh. Trái tim là một khối cơ có kích thước bằng nắm tay của bạn. Công việc của nó là bơm máu đi khắp cơ thể. Máu đó cung cấp oxy và chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Nửa bên phải của tim bơm máu đến phổi, nơi máu được bổ sung oxy. Nửa bên trái bơm máu từ phổi đã được làm giàu oxy đến phần còn lại của cơ thể TBS xuất hiện trong vài tuần đầu thai kỳ.

Có 3 loại TBS chính:

  • Bất thường cấu trúc của tim
  • Bất thường chức năng của tim
  • Bất thường về nhịp tim

Mức độ nghiêm trọng có thể từ nhẹ đến rất nặng

  • TBS nhẹ – trung bình: hẹp các van tim hoặc có các lỗ thông trong tim khiến dòng máu chảy bất thường, máu trộn.
  • TBS nặng: các bộ phận của trái tim bé có thể bị thiếu hoặc có hình thái bất thường. TSB phức tạp nặng chiếm khoảng ¼ số trẻ mắc TBS.
Closeup of heart and a stethoscope cardiovascular checkup concept

2. Nguyên nhân

Chúng ta không biết chính xác nguyên nhân gây TBS. Tình trạng này xảy ra do có bất thường gì đó xuất hiện trong quá trình phát triển ban đầu của thai nhi. Đôi khi có thể liên quan đến một số vấn đề ở nhiễm sắc thể của con bạn (thông tin di truyền). Bạn có thể trao đổi để tìm nguyên nhân với bác sĩ chuyên khoa sản và tim mạch.Cứ 1000 trẻ sơ sinh thì có 8 trẻ mắc TBS (0,8%).

3. Làm thế nào chúng ta phát hiện ra bệnh tim bẩm sinh

Sàng lọc TBS khi siêu âm thai lúc 20 tuần (từ 18 đến 20 ± 6 tuần của thai kỳ), được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa sản và chuyên khoa Tim mạch. Đôi khi có thể phát hiện sớm hơn hoặc muộn hơn trong thai kỳ. Không phải tất cả các bệnh TBS đều có thể được phát hiện trước khi trẻ được sinh ra.

4. Theo dõi sau khi phát hiện TBS

Nếu kết quả siêu âm nghi ngờ con bạn mắc TBS, bạn cần được siêu âm tim thai chuyên sâu bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch trẻ em- bào thai, để biết chắc chắn liệu con bạn có mắc bệnh hay không và tư vấn cụ thể cho bạn.Bởi TBS có thể liên quan đến một số bất thường về thông tin di truyền của thai nhi nên xét nghiệm chọc ối để tìm các đột biến về nhiễm sắc thể hoặc gen nên được thực hiện.Nếu em bé của bạn bị TBS, các bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ hẹn bạn siêu âm lại để theo dõi thai nhi, tùy mức độ của dị tật và hướng dẫn một cách chi tiết hơn cho bạn để theo dõi tình trạng sức khỏe của con bạn trước khi chúng được sinh ra. Chỉ số ít trường hợp, có thể khuyên bạn nên sinh con trước ngày dự sinh.

5. Điều trị

Nếu em bé của bạn mắc TBS, bạn và bé sẽ cần sự chăm sóc và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa tim mạch trẻ em. Họ sẽ nói chuyện với bạn về tình trạng bệnh, các biến chứng có thể xảy ra, cách điều trị và cách bạn có thể chuẩn bị cho sự ra đời của em bé an toàn nhất có thể. Một số trẻ mắc TBS sẽ cần phẫu thuật ngay sau khi sinh, những trường hợp khác thì không.Trẻ sơ sinh mắc bệnh TBS nặng sẽ cần được chăm sóc y tế chuyên khoa tại một đơn vị có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh mắc bệnh TBS. Những trẻ này sẽ cần phải phẫu thuật sau khi chúng được sinh ra, thường là trong năm đầu cuộc sống.Thời gian trẻ cần nằm viện tùy thuộc vào từng trẻ và có thể từ vài tuần đến vài tháng. Điều này phụ thuộc vào những yếu tố như loại phẫu thuật, thời gian hồi phục biến chứng, khả năng ăn bú của trẻ hoặc trẻ có cần hỗ trợ về hô hấp hay không.

6. Theo dõi lâu dài

TBS là bệnh có phổ rộng, đa dạng, có thể điều trị khỏi hoàn toàn cho đến phức tạp không thể điều trị triệt để, đặc biệt nếu có phối hợp các vấn đề sức khỏe khác ngoài tim. Tương lai của con bạn tùy thuộc vào bệnh cảnh của bé, nên cần được tư vấn hỗ trợ bởi nhóm các chuyên gia tim mạch.Đội ngũ chuyên gia chăm sóc em bé của bạn sẽ cố gắng hết sức để:-Giúp bạn trả lời những thắc mắc -Giúp bạn lập kế hoạch cho các bước tiếp theo

7. Các bước và lựa chọn tiếp theo

Bạn nên trao đổi với nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ sản khoa, tim mạch trẻ em, di truyền… để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của con bạn cũng như quyết định giữ thai hay đình chỉ thai nghén.

Nếu bạn quyết định tiếp tục mang thai, đội ngũ chuyên gia sẽ giúp bạn:

  • Lập kế hoạch chăm sóc và sinh em bé của bạn
  • Chuẩn bị chăm sóc bé tại nhà.

Nếu bạn quyết định kết thúc thai kỳ của mình, bạn sẽ được cung cấp thông tin về những gì liên quan đến vấn đề này và bạn sẽ được hỗ trợ như thế nào. Bạn sẽ được đưa ra lựa chọn về địa điểm và cách thức để kết thúc thai kỳ và được hỗ trợ cá nhân cho bạn và gia đình bạn. Chỉ có bạn mới biết đâu là quyết định tốt nhất cho bạn và gia đình bạn. Dù bạn đưa ra quyết định nào, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ bạn.

8. Mang thai trong tương lai

Những lần mang thai tiếp theo bạn nên sàng lọc các dị tật bẩm sinh đúng thời điểm theo khuyến cáo từ các chuyên gia sản khoa và tim mạch trẻ em.

Nguồn:

https://www.gov.uk/government/publications/congenital-heart-disease-description-in-brief/congenital-heart-disease-information-for-parents-html?fbclid=IwAR0I-qVxq0IdHaJmvfhK5LjJzhB8gEGlZkpWpdI61RK78bdY38oj3BqNIvU

Bình luận